top of page
Writer's pictureVũ Thúy Nga

Người mới khỏi covid lưu ý những vấn đề gì? GymHaus

Dịch bệnh bùng phát quả thực rất nguy hiểm và khó lường. Ngay cả những bệnh nhân F0 may mắn được chữa trị thành công, với cơ thể đã có sẵn khả năng miễn dịch đối với COVID-19 trong vòng 180 ngày (kể từ ngày bình phục) vẫn có thể phải chịu đựng những di chứng nặng nề gọi là hội chứng hậu COVID-19 hoặc COVID kéo dài

1. Các biểu hiện của hội chứng COVID kéo dài

Bệnh nhân nhiễm COVID-19 sau khi xuất viện vẫn có thể tiếp tục gặp các triệu chứng như:

  • Đau khớp hoặc cơ, yếu chi

  • Hội chứng đau cơ xơ hóa

  • Mất thăng bằng, suy giảm chức năng vận động

  • Rối loạn Khớp thái dương hàm do ho quá nhiều

  • Khó thở hoặc thở gấp

  • Đau mỏi cổ vai gáy

  • Đau đầu, chóng mặt

  • Cơ thể mệt mỏi hoặc suy nhược

  • Suy giảm chức năng vận động hằng ngày.

Tổ chức Y tế thế giới WHO cho biết, một số người có biểu hiện di chứng kéo dài hơn 12 tuần, nhưng cũng có trường hợp lên đến 6 tháng, thậm chí lâu hơn. Đồng thời, khả năng xuất hiện các triệu chứng kéo dài không liên quan đến mức độ bệnh đã nhiễm. Nhiều người bệnh COVID-19 tuy ở mức độ nhẹ, nhưng vẫn có thể gặp vấn đề lâu dài sau hồi phục.


Như vậy, sau khi trải qua giai đoạn điều trị bệnh và đã khỏi bệnh, giờ là lúc các bệnh nhân bắt đầu một giai đoạn mới – bước vào cuộc hành trình phục hồi chức năng toàn diện để quay trở lại cuộc sống bình thường.


2. Vai trò của phục hồi chức năng sau nhiễm COVID-19

Dù bệnh nhân F0 đã phục hồi sau giai đoạn cấp tính, thời gian hồi phục sau nhiễm COVID-19 của mỗi người là khác nhau. Tuy nhiên nếu thực hiện các hoạt động phục hồi chức năng ngay sau khi xuất viện chính là giai đoạn VÀNG giúp bệnh nhân rút ngắn thời gian hồi phục.

Liệu trình phục hồi chức năng bao gồm chương trình điều trị và chuỗi các bài tập chuyên biệt cùng thiết bị hiện đại hỗ trợ với mục đích cải thiện khả năng vận động, tăng cường chức năng hô hấp, ngăn chặn các tác hại về thể lực và tinh thần do di chứng COVID-19 để lại.


Theo các chuyên gia y tế, trong giai đoạn phục hồi sau điều trị, bệnh nhân Covid-19 cần nhớ 6 nguyên tắc sau:


  • Chế độ dinh dưỡng phục hồi

Khẩu phần dinh dưỡng trong giai đoạn này là khẩu phần ăn đa dạng, đầy đủ các nhóm thực phẩm, tăng cường sử dụng các loại thực phẩm có giá trị sinh học cao (tức là ăn bao nhiêu sử dụng được bấy nhiêu) như: Sữa, trứng… và gia tăng tỷ lệ chất đạm. Do hệ tiêu hóa cũng cần thời gian để phục hồi, để giảm quá tải tiêu hóa, nên chia khẩu ăn hằng ngày ra làm nhiều bữa nhỏ, thức ăn được nấu chín kỹ và mềm nhừ, để dễ dàng tiêu hóa hấp thu.

Ngay cả những người trước đó có bị thừa cân béo phì, cũng cần phải phục hồi khối cơ và kho dự trữ vitamin và khoáng chất.

Với người suy dinh dưỡng và suy kiệt nhiều, có thể dùng sữa có mức năng lượng cao hơn, dùng để phục hồi sau bệnh trong vòng khoảng 2-3 tuần đầu.


  • Tập thở

Đây là phần quan trọng nhất để chống tình trạng giảm độ đàn hồi (compliance) của phổi, nói nôm na, tập thở sẽ giúp phổi co giãn tốt khi thở sau này. Thở bao gồm hít vào và thở ra.

Động tác hít vào cần nhẹ nhàng, chậm, sâu, phình bụng ra từ từ để không khí ùa vào trong các phế nang nhỏ, tách các phế nang đang viêm dính ra, làm phế nang căng lên. Khi thở ra, cũng cần thở chậm vừa, thở ra đến cuối thì hóp bụng lại nhẹ nhẹ để ép phế nang chặt lại, đẩy hết không khí thừa ra ngoài.

Trong giai đoạn mới hết bệnh, tập thở nhiều và nặng sẽ gây ho và gây đau. Không cần phải gắng sức, nhưng vẫn phải tập, đến khi hít vào có cảm giác đau thì dừng lại, thở ra rồi lập lại chu kỳ hít vào tiếp theo.

Giữa hai kỳ hít vào và thở ra, không cần nín thở như khi tập thở lúc khỏe. Nếu cảm thấy mệt, có thể tập khoảng mươi lần rồi nghỉ một chút, sau đó tập tiếp. Kèm với tập thở, cần uống đủ nước để làm lỏng đờm nhớt, giúp thông thoáng đường thở, làm lỏng máu, giúp hệ tuần hoàn tới phổi dễ dàng hơn để mang xác tế bào đi.


  • Tập tăng khối cơ

Trong các khối cơ có các sợi cơ, nguyên tắc chung khi có sự co hoặc giãn sợi cơ nhiều thì sẽ có cơ chế tăng tổng hợp các sợi cơ để đáp ứng nhu cầu co giãn của khối cơ. Vì vậy, khối cơ sẽ được tổng hợp nếu tập luyện làm co giãn các bắp cơ và ăn đủ lượng chất đạm để làm nguyên liệu tổng hợp khối cơ.

Không cần phải tập nặng, chạy nhảy cố sức. Chỉ cần tập chậm, co cơ tối đa, gồng cơ và kéo giãn cơ tối đa. Có thể tập bằng các tạ nhỏ hay chai nước suối đổ đầy. Có thể ngồi để tập từng cơ bắp một nếu còn mệt, hoặc tập tư thế ngồi xen kẽ với tư thế đứng.


  • Phục hồi các vấn đề về tâm lý và tinh thần

Một số ít bệnh nhân có ám ảnh hoảng sợ nặng nề, cần gặp bác sĩ chuyên khoa tâm lý, tâm thần để khám và tư vấn hoặc dùng thuốc.

Đa phần chỉ là hoang mang lo sợ vì nhiễu loạn thông tin. Cần tìm hiểu thông tin từ các nguồn thông tin đáng tin cậy, tự mình theo dõi sức khỏe và biểu hiện của chính mình, giữ tinh thần lạc quan, điều chỉnh cuộc sống bằng các hoạt động tích cực với gia đình và xã hội.

Ngủ đủ giấc cũng là một phần để phục hồi cả thể chất và tinh thần ở giai đoạn này. Nếu bệnh nhân khó ngủ, có thể trao đổi với bác sĩ để được dùng thêm các loại thuốc an thần an toàn và không gây nghiện.


  • Lưu ý khả năng tái nhiễm và miễn dịch với Covid-19

Ngay cả khi đã có miễn dịch sau bệnh và virus của đợt bệnh đầu tiên đã âm tính, người đã khỏi bệnh vẫn có thể là nguồn lây lan virus cho những người khác, nhất là trong những cộng đồng tiêm vaccine còn ít và chưa có đủ số lượng người có miễn dịch như Việt Nam hiện nay. Vì vậy, cần chú ý đến chuyện giãn cách và mang khẩu trang khi tiếp xúc với người khác.


  • Thời gian phục hồi sẽ kéo dài

Khó mà trả lời được đến bao lâu thì toàn bộ các vết sẹo sẽ trở thành xơ và cơ thể sẽ dừng việc sửa chữa các tổn thương, hư hỏng tế bào do đợt bệnh gây ra. Tuy nhiên, cũng có thể chắc chắn rằng, thời gian này không thể ngắn chỉ vài ngày được.

Vì vậy, sau 3 - 4 tuần phục hồi tích cực, khi thấy cơ thể mình đã khỏe, cân nặng đã phục hồi, hoạt động tay chân có thể khỏe mạnh linh hoạt như trước khi bị bệnh, thì có thể chuyển sang giai đoạn phục hồi duy trì, tức là quay trở lại với cuộc sống bình thường mới (sống bình thường nhưng có thêm những kiến thức chăm sóc sức khỏe mới).


Nguồn: Sưu tầm


Về GymHaus: Từ năm 2018 tới nay, team Nhà GYM cùng founder Lê Hằng không ngừng đổi mới để mang đến trải nghiệm tập luyện hạnh phúc và tuyệt vời cho hội viên. Tập phải đúng, chuẩn khoa học, hiệu quả nhưng cũng phải vui nữa. Thế mạnh của GymHaus là các gói tập sửa tư thế (gù, võng lưng, lệch cột sống) và tăng cơ giảm mỡ; và đặc biệt là đội ngũ PT vui tính, văn minh và siêu chất.

CS1: Số 5 Ngõ Thi Sách (gần Phố Lê Văn Hưu), quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

CS2: Số 123G Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội

CS3: Masteri Thảo Điền Block T5B. 3810, 159 Xa Lộ Hà Nội, P. Thảo Điền, TP Thủ Đức.


14 views0 comments

Comments


bottom of page